{iKul} Mac

Sức mạnh tiềm ẩn...


Hôm nay là ngày 28 âm lịch của năm con chuột. Con chuột cũng đang hưởng thụ những ngày cuối cùng trong năm, để rồi sẽ phải nhường chỗ lại cho năm con trâu.


Năm hết Tết đến, mình xin chúc tất cả các bạn cùng gia đình một năm mới thật nhiều sức khỏe, vui vẻ, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp.

Hiện tại mình cũng đang bận một số chuyện trong gia đình nên cũng không thể viết bài liên tục như lúc trước. Xin hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau Tết với nhiều bất ngờ và niềm vui mới với em Mac của mình.

Lì xì cho mọi người nè

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Một trong những tính năng tuyệt vời nhất của Leopard mà các hệ điều hành ước ao có được để tạo sự tiện dụng cho người dùng chính là Exposé. Một chức năng giúp cho công việc của bạn nhanh hơn bao giờ hết: tận dụng 4 góc màn hình như là những phím tắt cho các chức năng.

Để thiết lập các thông số cho Exposé, bạn vào System Preferences, chọn Exposé & Spaces.

Trong cửa sổ này, bạn có thể thiết lập các thông số theo ý thích tùy theo thói quen của mình. Ở trên cùng, bạn sẽ thấy một khung với màn hình nền nằm ở giữa, bốn góc là bốn danh sách thả xuống với các chức năng khác nhau.

Bốn góc này đại diện cho bốn góc trên màn hình của bạn. Bạn có thể chọn các chức năng cho các góc tùy thích, và khi bạn đưa chuột vào góc tương ứng trên màn hình, chức năng bạn chọn sẽ được kích hoạt.

Mình rất thích chức năng này! Tuy nhiên nó có thể trở thành phiền phức cho một số bạn, vì chức năng này sẽ được kích hoạt khi bạn vô tình đưa trỏ chuột vào một trong bốn góc màn hình. Lúc này, Leopard cung cấp cho bạn những chức năng khác. Trong khi chọn trong danh sách, bạn giữ một trong các phím Shift, Control, Option hoặc Command. Khi đó thì bạn phải giữ phím này đồng thời khi đưa chuột về các góc màn hình.

Nhưng vẫn có nhiều bạn thích sử dụng các phím tắt trên bàn phím hơn. Mặc định là bạn có thể gọi các chức năng như DashBoards, Spaces... từ các phím tắt nằm ở dãy đầu tiên trên bàn phím. Tuy nhiên, nhiều khi những phím ở xa tầm tay như vậy lại làm cho bạn cảm thấy khó chịu và không thoải mái lắm. Vậy tại sao bạn lại không tự định chọn phím tắt riêng cho mình. Ở khung dưới bạn sẽ thấy chỗ để bạn có thể chọn các phím tắt khác ngoài các phím mặc định.

Bạn có thể chọn một phím nào đó làm phím tắt cho các chức năng, và có thể kết hợp với các điều khiển chuột nữa.

Làm việc với Leopard trở nên dễ dàng hơn nhiều phải không nào?

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com



Như mọi người cũng biết, trong MacWorld vừa rồi, Apple không chỉ ra mắt Macbook Pro 17-inches Unibody mà còn ra mắt phiên bản mới của 2 bộ phần mềm nổi tiếng của hãng là iLife '09 và iWork '09.

Trong khuôn khổ bài viết này, mình xin giới thiệu với các bạn về 1 trong những chức năng nổi bật nhất đã được Apple nâng cấp cho đứa con của mình: chức năng chia sẻ online. 

Chức năng này đúng như nghĩa đen của nó là chia sẻ trực tuyến. Có nghĩa là những văn bản người dùng chia sẻ sẽ được lưu trên máy chủ của iWork trong một khoảng thời gian nào đó, sau đó sẽ bị xóa đi. Khác với chức năng lưu trữ như Google Doc hoặc những chương trình khác. Thời gian mà Apple quyết định cho phép người dùng lưu trữ là 120 ngày.

Trước tiên, để sử dụng chức năng chia sẻ này, bạn phải có một tài khoản với một Apple ID trên trang web của Apple. Nếu chưa có tài khoản thì bạn có thể tạo mới từ trong một ứng dụng nào đó của iWork '09 (Pages, Numbers hoặc Keynotes). Trên thanh trình đơn chính, bạn chọn Share > Sign in...

Sau đó bạn sẽ nhận được một cửa sổ như sau:

Bạn có thể nhấn vào nút "Create New Account" để tạo tài khoản mới. Sau đó bạn sẽ được dẫn tới trang web của iWork để đăng ký.

Còn nếu bạn đã có tài khoản rồi thì bạn chỉ cần nhập thông tin vào để đăng nhập.

Sau khi đã đăng ký và đăng nhập vào iWork.com thì bạn đã sẵn sàng chia sẻ tập tin làm việc của mình với bạn bè. Để chia sẻ tập tin đang làm việc, bạn chọn Share > Share via iWork.com...

Sau khi chọn vào đó, bạn sẽ nhận được cửa sổ để chia sẻ tập tin.

Bạn chỉ cần nhập vào thông tin người nhận và nhấn Share là xong. Người mà bạn muốn chia sẻ sẽ nhận được một email như sau:
Về phần bạn, bạn cũng có thể xem lại những thứ mình đã chia sẻ bằng cách chọn Share > Show Shared Documents trên thanh trình đơn chính. Trên trình duyệt web của bạn sẽ xuất hiện trang chia sẻ của iWork.com

Và bạn được yêu cầu nhập tên và mật khẩu để đăng nhập

Sau đó bạn sẽ thấy danh sách những tập tin bạn đã chia sẻ.

Nhấn vào tập tin nào đó để xem lại nào

Có phải đây chính là tập tin bạn đã chia sẻ không? Và nhìn bên tay phải bạn sẽ thấy thông tin của người chia sẻ cũng như những ý kiến của những người tham gia xem tập tin này.

Không chỉ với Pages đâu nhé, bạn còn có thể chia sẻ luôn những tập tin của Numbers và Keynotes nữa. Thật là thích quá phải không nào? Nhưng giá mà Apple cung cấp luôn cho chúng ta chức năng lưu trữ luôn như Google Docs thì hay biết mấy.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Apple với truyền thống cho ra những chiếc máy với thiết kế cực kỳ đẹp và tinh tế. Điều này được thể hiện ngay cả khi những cỗ máy này khởi động. Màn hình khởi động của Mac OS X rất đơn giản và tinh tế, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi những gì đang hoạt động phía sau màn hình xám và quả táo bị cắn 1 miếng này chưa?

Chúng ta cùng nhau xem phía sau màn hình kỳ diệu này là gì nhé. Thông thường thì chúng ta chỉ ngồi nhìn màn hình quả táo xám này để chờ đợi để máy khởi động xong, chỉ trừ một số trường hợp chúng ta phải can thiệp vào quá trình này bằng cách nhấn một phím hoặc một tổ hợp phím nào đó nhằm ép hệ điều hành thực hiện một số tác vụ nhất định. Những tổ hợp phím này là gì?

Phím C: nhấn phím C trong quá trình khởi động để khởi động từ động từ đĩa. Thường áp dụng khi bạn cần cài lại máy. Cho đĩa cài đặt vào, trong lúc khởi động nhấn phím C. Hoặc nếu bạn muốn khởi động tử một đĩa CD/DVD nào đó.

Phím D: để khởi động phần kiểm tra phần cứng máy, nếu bạn muốn cài đặt từ DVD.

Phím N: để khởi động từ ổ đĩa trên máy chủ trong mạng nội bộ.

Phím T: đây là một chức năng rất hay mà mình thường hay sử dụng. Trong lúc khởi động, giữ phím T để vào chế độ Target Disk. Sau đó một một màn hình khác màu xám sẽ xuất hiện, trên đó sẽ có logo Firewire chạy quanh màn hình. Lúc đó máy của bạn sẽ trở thành một ổ cứng di động. Một máy Mac khác có thể đọc được nội dung trong máy bạn như đọc từ ổ cứng qua kết nối FireWire (bạn có thể dụng dây FireWire 400 hoặc 800). 

Mình cũng hay dùng cách này để cài đặt lại Mac OS cho máy của vài người bạn.

Phím Option/Alt: giữ phím Option trong lúc khởi động để chuyển vào phần Start Up Manager để chọn ổ khởi động. Ví dụ bạn có 2 ổ cứng cùng có thể khởi động, bạn vào phần này để chọn ổ bạn muốn khởi động.

Nhấn Option/Alt xong rồi nhấn phím N: giống như khi nhấn phím Option, tuy nhiên, kèm theo phím N sẽ giúp bạn có thêm các lựa chọn các ổ đĩa trên máy chủ (nếu có).

Tổ hợp phím Option/Alt + N: nhấn cùng lúc tổ hợp phím này sẽ cho bạn khởi động ngay bằng ổ đĩa mạng đầu tiên mà hệ thống tìm thấy.

Tổ hợp phím Option/Alt + V: đây là tổ hợp phím kỳ diệu. Bạn hãy thử nhấn tổ hợp phím này xem. Những điều bí ẩn phía sau màn hình xám của Mac OS sẽ hiện ra trước mắt bạn. Màn hình đen với những dòng lệnh đặc trưng của Unix sẽ hiện ra thay cho màn hình quả táo xám.

Tổ hợp phím Option/Alt + S: bạn sẽ đăng nhập vào chế độ Singer User Mode (người dùng đơn). Nhưng bạn phải cẩn thận với chế độ này, vì nó không dành cho người dùng nghiệp dư. Yêu cầu bạn phải am hiểu kiến thức về hệ điều hành Unix, nếu không máy của bạn sẽ thành đồ chặn giấy đó.

Phím Shift: giữ phím Shift trong lúc khởi động để vào chế độ Safe Mode, chế độ an toàn, tương tự như trong Windows.

Tổ hợp phím Option/Alt + Command (Táo) + P + R: tổ hợp phím này để khởi động lại NVRam. Bạm cũng phải cẩn thận với tổ hợp phím này nhé, không phải là chức năng chạy thử để xem chơi đâu.

Phím Eject hoặc giữ phím chuột: khi còn đĩa CD/DVD trong ổ đĩa khi máy đã tắt. Trong lúc khởi động, bạn giữ phím Eject hoặc nút bấm chuột để nhả đĩa ra.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Những gì mình viết trong bài này có thể nhiều bạn đã biết rồi, và cũng có thể đã thành thạo những thao tác này rồi. Tuy nhiên, mình vẫn muốn viết lại, vì mình thấy vẫn có nhiều bạn hỏi về vấn đề này. Trong bài này mình sẽ trình bày tất cả các thủ thuật để chụp ảnh màn hình làm việc của bạn.

Trên bàn phím máy Mac không hề có sự tồn tại của phím Print Screen như những bàn phím PC khác. Vì thế, các bạn sẽ gặp không ít rắc rối khi vừa chuyển sang sử dụng máy tính cũng như hệ điều hành MAC. Nhưng các bạn đừng lo lắng, vì việc chụp ảnh màn hình trên MAC đơn giản hơn trên những hệ điều hành khác rất nhiều, bất chấp sự vắng mặt của phím Print Screen.

Để chụp toàn bộ "quang cảnh" làm việc của bạn (tức là những gì bạn thấy trên màn hình làm việc của mình sẽ được chụp lại và lưu ngay trên màn hình làm việc dưới dạng tập tin .png), bạn sử dụng tổ hợp phím Shift + Command (Táo) + 3. Sau khi nhấn tổ hợp phím này, nhả tất cả ra, bạn sẽ thấy trên màn hình làm việc xuất hiện một tập tin ảnh theo dạng "Picture 1.png".

Ví dụ như đây là màn hình làm việc của mình

Còn nếu bạn không muốn chụp hết cả màn hình mà chỉ muốn chụp một phần nào đó trên màn hình thôi thì Mac OS X cũng cung cấp cho bạn một tổ hợp phím khác cũng dễ dàng không kém, bạn chỉ cần nhấn Shift + Command (Táo) + 4. Sau khi nhả tổ hợp phím này ra, bạn sẽ thấy con trỏ chuột thay đổi, công việc còn lại của bạn chỉ là giữ chuột và kéo để chọn vùng nào bạn muốn chụp lại.
Hình trên chính là một ví dụ mình chụp một phần màn hình làm việc.

Hơn thế nữa, nếu bạn muốn chụp một cửa sổ nào đó bạn đang làm việc trên máy, mà lại không muốn phải mất thời gian kéo chuột để chọn vùng của cửa sổ này. Mac OS X làm cho công việc của bạn dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn lại sử dụng tổ hợp phím Shift + Command (Táo) + 4, và bạn lạ tiếp tục nhấn phím Space Bar. Sau đó, con trỏ chuột sẽ biến thành biểu tượng một máy chụp hình, bạn chỉ cần nhấn chuột vào cửa sổ nào bạn muốn chụp. Thế là cái bạn cần đã xuất hiện ngay trên màn hình làm việc. Bạn hãy xem hình dưới đây mà mình đã chụp bằng cách này nhé.
Bạn thấy là không những chụp cửa sổ đó mà bạn còn có được luôn hiệu ứng bóng đổ của cửa sổ đó nữa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tập tin ảnh trên màn hình làm việc lại làm cho bạn cảm thấy khó chịu, hoặc đơn giản bạn chỉ muốn chụp màn hình để dán vào đâu đó chứ không có nhu cầu sử dụng lại. Để làm được điều này thì bạn chỉ cần thêm phím control vào tổ hợp phím bạn sử dụng để chụp màn hình. Ví dụ, bạn nhấn Control + Shift + Command (Táo) + 3 để chụp toàn bộ màn hình, thì tập tin ảnh sẽ không xuất hiện trên màn hình chính nữa. Nó sẽ được lưu trong Clipboard, bạn có thể dán vào bất kỳ đâu.

Thật dễ dàng phải không nào?

Một thủ thuật nho nhỏ nữa mà mình đã giới thiệu ở bài trước, định dạng mặc định của các tập tin này là .png. Tuy nhiên, có thể bạn không thích định dạng .png mà bạn lại thích .jpg. Bạn có thể thay định dạng mặc định này bằng 1 câu lệnh đơn giản trên Terminal. Bạn hãy xem hướng dẫn ở mục số 3 trong bài này nhé!

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com


Đêm hôm qua, khoảng 12h theo giờ Việt Nam ngày 6 tháng 1 năm 2009, Mac World đã được diễn ra với sự háo hức chờ đợi của hàng triệu người đam mê Apple trên toàn thế giới. Trước giờ khai mạc, rất nhiều tin đồn được đưa ra về các sản phẩm mới mà Apple sẽ giới thiệu trong đêm hội hàng năm này.

Những sản phẩm cộng ̣đồng mong đợi như iMac mới, Mac Mini mới đều không xuất hiện xuyên suốt buổi giới thiệu của Phil (người phát biểu chính tại Mac World, thay thế cho ông phù thuỷ Steve Jobs - linh hồn của Apple). Thay vào đó, Apple giới thiệu với cộng đồng các phiên bản mới của bộ phần mềm iLife '09 cũng như iWork '09.

Điểm nhấn của MacWorld lần này chính là Macbook Pro Unibody phiên bản 17 inches mà mọi người mong đợi sẽ có nhiều cải tiến. Điều đó đã xảy ra mặc dù vẫn chưa thể làm thỏa lòng mong đợi của cộng đồng.

Bài này mình xin giới thiệu sơ nét về sản phẩm vừa được giới thiệu này.

Nhìn sơ bộ thì thiết kế bên ngoài của phiên bản này không khác là mấy so với người anh em 15 inches của mình, tất nhiên là màn hình to hơn phiên bản cũ. Điểm nổi bật (theo cảm nhận của mình) là lần này Apple đã cho người dùng chọn lựa giữa màn hình gương (glossy) và màn hình không gương chống chói (anti-glare). Trong khi người anh em 15 inches không có. Với tùy chọn không gương thì người mua phải trả thêm $50 nữa (nếu mua mình sẽ chọn cái này).

Một điểm khác làm cho sản phẩm này trở nên vượt trội là thời lượng sử dụng pin kỷ lục

́8 tiếng là thời lượng sử dụng pin lâu nhất của phiên bản Macbook Pro Unibody 17 inches, và cũng là một con số đáng kinh ngạc. Đổi lại với con số này chính là sự thay đổi trong thiết kế của Apple. Kích thước pin của sản phẩm này có kích thước lớn hơn, và vì thế mà Apple đã không cho phép người dùng có thể tự thay thế pin như những dòng sản phẩm trước nữa.

Tuy nhiên chúng ta không phải lo lắng vì việc này. Apple đã công bố các thông số cũng như hệ thống sạc và điều khiển pin thông minh giúp cho tuổi thọ pin có thể kéo dài đến 5 năm.

Về RAM thì với sản phẩm này, người dùng có thể lựa chọn nâng cấp lên đến 8GB RAM với loại RAM DD3 1066MHz. Một dung lượng bộ nhớ cực kỳ ấn tượng cho một chiếc máy tính xách tay. Kết hợp với 2 card đồ họa của NVIDIA cùng màn hình lớn 17 inches, thì đây quả thật là một lựa chọn tuyệt vời cho dân thiết kế đồ họa.

Về thiết kế, phiên bản này hoàn toàn giống với người anh em 15 inches. Tuy nhiên, phiên bản 17 inches này được ưu ái hơn bằng 3 cổng USB thay vì 2 so với phiên bản 15 inches.

Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn CPU máy lên đến 2.93Ghz.

Với một chiếc máy cấu hình tối đa thì giá trên website của Apple là khoảng gần $5,000. Một con số đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Những ai sử dụng hệ điều hành Mac OS X đều biết rằng Spaces là một trong hơn 300 chức năng mới mà Apple đã cho vào hệ điều hành mới Leopard của hãng. Đây là chức năng rất tuyệt vời, đặc biệt là cho những người thường xuyên làm việc với nhiều cửa sổ cùng lúc.

Spaces tạo ra nhiều màn hình làm việc khác nhau, giúp cho người dùng quản lý dễ dàng hơn các cửa sổ ứng dụng đang được mở. Tuy nhiên, bạn đã biết hết chức năng của Spaces chưa. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.

Theo mặc định, sau khi cài đặt, Leopard tạo sẵn cho chúng ta 4 màn hình làm việc. Bạn cọ thể kiểm tra bằng cách vào System Preferences/Exposé & Spaces, chọn vào phần Spaces.

Trong phần này bạn có thể quản lý tất cả chức năng của Spaces trong máy bạn. Trong khung lớn có nền đen, bạn sẽ thấy 4 khung tượng trưng cho 4 màn hình làm việc của bạn. Nếu muốn thêm hoặc bớt số lượng thì bạn hãy sử dụng dấu cộng (+) và trừ (-) ở 2 dòng Rows và Columns ở bên cạnh. Và bạn nhớ phải chọn vào phần Enable Spaces để kích hoạt chức năng này nhé!

Trong khi làm việc, có nhiều cách để kích hoạt Spaces:
1. Chạy Spaces.app từ thư mục /Applications.
2. Đặt Spaces vào chức năng Exposé. Mình thích cách này hơn, khi đưa chuột đến góc trái trên cùng màn hình thì Spaces sẽ được kích hoạt.

Khi kích hoạt Spaces thì bạn sẽ thấy màn hình sau

Tùy theo thiết lập của bạn mà bạn sẽ thấy số lượng màn hình làm việc khác nhau. Muốn chuyển đến màn hình nào thì bạn chỉ cần nhấn chuột vào màn hình đó.

Mỗi màn hình làm việc sẽ hiển thị các ứng dụng riêng biệt. Vì vậy mà các bạn sẽ dễ quản lý các ứng dụng đang chạy trên máy của mình. Trong trường hợp bạn muốn chuyển một ứng dụng này sang một màn hình khác thì việc bạn phải làm là nhấn và giữ chuột vào ứng dụng đó và kéo qua màn hình khác.

Hoặc bạn cũng có thể thay đổi vị trí các màn hình với nhau bằng cách nhấn và giữ chuột lên màn hình đó rồi kéo sang vị trí bạn muốn.

Mặc định khi bạn chạy một ứng dụng nào đó, thì ứng dụng đó sẽ hiển thị trên màn hình hiện tại. Tuy nhiên, bạn cũng có thể định trước cho những ứng dụng nào sẽ chạy trên những màn hình nào. Để làm việc này, bạn vào lại phần Spaces trong System Preferences. Ở dưới khung đen sẽ có một danh sách như sau

Danh sách này quy định màn hình mặc định của các ứng dụng. Để thêm ứng dụng nào đó, bạn nhấn vào nút có dấu cộng (+) bên dưới, chọn ứng dụng và chọn tiếp màn hình mặc định cho ứng dụng đó. 

Ví dụ như hình trên, mình chọn Finder luôn luôn mở ra ở màn hình số 2, Mail ở màn hình số 4. Tương tự cho các ứng dụng khác.

Với những thao tác đơn giản, bạn sẽ tận dụng được hết các chức năng mà Spaces cung cấp để làm cho công việc hàng ngày của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Finder thì chắc ai cũng biết rồi, không cần phải giới thiệu lại làm gì nhé. 
Bài viết này mình giới thiệu với các bạn một cách để làm phong phú thêm thanh công cụ của Finder, đồng thời làm cho công việc của chúng ta dễ dàng hơn khi làm việc trên chiếc máy MAC thân yêu.

Thanh công cụ của Finder mà nãy giờ mình nói đến là đây.

Thanh công cụ cho chúng ta những nút chức năng để làm những công việc đơn giản, như chọn chế độ hiển thị, tạo thư mục... Không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta còn có thể cho những ứng dụng khác tham gia vào thanh công cụ này. Làm việc này đơn giản bằng cách giữ phím Command (Táo) và kéo ứng dụng đó lên thanh công cụ. 

Ở đây mình đưa lên 2 thành phần: CoconutBattery để kiểm tra tình trạng pin và đoạn AppleScript mình đã viết để dọn Thùng rác.

Một ngày đẹp trời nào đó, bạn không còn muốn ứng dụng đó hiện diện trên thanh công cụ nữa thì chỉ cần giữ phím Command (Táo) và kéo biểu tượng đó ra ngoài!

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Do nhu cầu sử dụng, mà mình thì rất ghét phải cài đặt thêm các phầm mềm nho nhỏ vào máy, nên mình quyết định tìm hiểu cách làm bằng các câu lệnh của Terminal. Và kết quả là đã thành công, mình muốn chia sẻ với các bạn bằng bài viết này.

Vấn đề mình gặp là: mình có tập tin CDH.iso, mình muốn mount tập tin này để xem nội dung. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được với Daemon Tools. Tuy nhiên, nếu bạn cũng không thích cài Daemon Tools như mình thì hãy sử dụng câu lệnh Terminal sau:

hdiutil mount #đường dẫn#

Trong đó, #đường dẫn# là đường dẫn đến tập tin ảnh đĩa. Ví dụ trong trường hợp của mình là:

hdiutil mount ~/Desktop/CDH.iso

Sau đó, trên màn hình làm việc sẽ thấy một ổ đĩa mới tên CDH. Sau đó thì chắc bạn biết phải làm gì :)

Ngoài ra, bạn còn có thể làm những việc khác với hdiutil như chép đĩa từ tập tin ảnh đĩa.

hdiutil burn #đường dẫn#

Ngoài những tập tin .iso, bạn còn có thể mở các dạng ảnh đĩa khác, như: .dmg, .iso, img...

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Bộ gõ tiếng Việt luôn luôn là một yêu cầu tối quan trọng đối với bất kỳ người Việt Nam nào. Tuy nhiên, chúng ta đã quá quen thuộc với bộ gõ VNI hoặc Telex rồi nên thường rất ngại khi phải chuyển sang một bộ gõ khác, mặc dù bộ gõ hiện tại đang có rất nhiều lỗi ảnh hưởng đến công việc hằng ngày.

Nhất là khi làm việc trên máy Mac, với một hệ điều hành không được phổ biến như Windows. Hơn thế nữa, bộ gõ tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng trên Leopard nói riêng và Mac OS X nói chung đang có nhiều khuyết điểm.


Mình nghĩ rằng hình trên đây rất quen thuộc với các bạn (sử dụng Leopard, vì mình không có dùng Tiger nên không biết có bộ gõ giống như vậy không). Đây là bộ gõ Unikey trên Leopard cho các font chữ Unicode. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của bộ gõ này là bị dấu gạch chân. Có lẽ mình không cần giải thích nhiều về lỗi này vì ai cũng đã bị rồi, mình sẽ nói đến nhược điểm của nó trong phần sau.

Kèm theo trong Leopard cũng có một bộ gõ tiếng Việt khác mà ít người biết đến (hoặc đã biết nhưng không dùng) vì những lý do sau:
1. Bộ gõ này nằm ở cuối danh sách các bộ gõ.
2. Bộ gõ này sử dụng cách gõ khác so với bộ gõ VNI hay Telex đã phổ biến ở Việt Nam từ xưa đến nay.

Trong hình dưới đây mình giới thiệu với các bạn mặt mũi của bộ gõ này nếu bạn chưa biết.

Bộ gõ này nằm ở cuối danh sách các bộ gõ. Bạn có thể xem danh sách này trong System Preferences/International, chọn vào mục Input Methods. Kéo xuống cuối cùng, bạn sẽ thấy bộ gõ mang tên Vietnamese như được đánh dấu ở hình trên. Đây là một bộ gõ Unicode.

Tại sao chúng ta không thử sử dụng thử nào. Hiện tại, mình viết bài này bằng chính bộ gõ Vietnamese này. Mặc dù vẫn chưa quen lắm với cách gõ hoàn toàn xa lạ này, nhưng mình vẫn tin tưởng đây là một bộ gõ tốt, giải quyết được nhiều vấn đề gây khó chịu khi chúng ta sử dụng bộ gõ Unikey VNI hay Telex trên Leopard.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!

Trước tiên, hãy xem bộ gõ Vietnamese này hoạt động như thế nào nhé:
Đây là một dạng chuẩn bàn phím quốc tế dành cho tiếng Việt. Thay vì sử dụng cách ghép nối các ký tự trên bàn phím để bỏ dấu cho các nguyên âm thì bộ gõ này có các phím riêng biệt cho các nguyên âm. 

ă = phím số 1
â = phím số 2
ê = phím số 3
ô = phím số 4
ư = phím "["
ơ = phím "]"
đ = phím số 0

dấu huyền: phím số 5
dấu hỏi: phím số 6
dấu ngã: phím số 7
dấu sắc: phím số 8
dấu nặng: phím số 9

Bộ gõ này cung cấp thêm một ký tự đặc biệt dành cho ký hiệu của đồng tiền Việt Nam là "₫" ở phím "=".

Đó chính là những điểm khác biệt cơ bản của bộ gõ này so với các bộ gõ VNI hay Telax mà mọi người đã quen sử dụng. Mình sẽ nói thêm trong phần ưu điểm/nhược điểm.

Ưu điểm:
1. Không bị dấu gạch chân trong khi gõ: trong bộ gõ Unikey VNI/Telex thì có một dấu gạch chân trong khi gõ, cho đến khi nhấn Space Bar hoặc một phím nào đó để hoàn tất ký tự đang gõ. Việc này ảnh hưởng rất nhiều trong khi làm việc với Leopard. 

Điển hình như với Spotlight, bạn không thể nào tận hưởng được cảm giác tìm kiếm tức thời của Spotlight khi sử dụng bộ gõ Unikey trên Leopard. Bộ gõ Vietnamese giải quyết được vấn đề này vì không có dấu gạch chân nào ở đây.

 2. Không bị lỗi trong Microsoft Office: bộ gõ này hoàn toàn tương thích với bộ phần mềm Microsoft Office, giải quyết được vấn đề nhảy chữ trong bộ gõ Unikey trên Leopard.

3. Tiết kiệm thời gian trong khi soạn thảo: đây là điều hiển nhiên một khi chúng ta đã quen với cách gõ mới lạ này. Vì bạn chỉ cần gõ một phím thay vì hai như trong bộ gõ Unikey.

Ví dụ:
Sử dụng Unikey VNI để gõ dòng "Đại hội" chúng ta phải gõ như sau:
D9a5i ho65i (11 phím)
Trong khi với bộ gõ Vietnamese, chúng ta chỉ cần gõ như sau:
0a9i h49i (9 phím)

Số lượng phím phải bấm giảm đi đáng kể, giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian.

Nhược điểm:
1. Cách gõ khác lạ: điều này thì không phải bàn cãi nhiều, vì chúng ta phải dành một số thời gian để làm quen với cách gõ tiếng Việt của bộ gõ này.

2. Phải bỏ dấu ngay sau nguyên âm: việc bỏ dấu ở cuối chữ là không thể.

3. Khó khăn ở một số phím: vì bộ gõ này tận dụng các phím số cho các nguyên âm có dấu nên muốn gõ số thì phải giữ phím Alt/Option. Muốn gõ các ký tự nhỏ, thay vì chỉ nhấn Shift thì bạn phải nhấn Shift + Alt/Option.

Lời kết:
Mặc dù bộ gõ này tạo cho chúng ta một số khó khăn khác, nhưng đối với mình, đây là thứ mình cần. Vì bộ gõ này đã giải quyết được hầu hết các khó khăn trong khi làm việc. Và theo cảm nhận của riêng mình thì việc làm quen với kiểu gõ này không khó như mình đã nghĩ trước đó. Bằng chứng là sau khi sử dụng bộ gõ này để viết bài này, mình đã cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, và dường như đã bắt đầu quen với bàn phím này. 

Tại sao bạn không thử 1 lần nhỉ? Chỉ 1 lần thôi, bạn sẽ thích ngay mà!!!

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Áp dụng một đoạn AppleScript đơn giản nhất, chúng ta có thể tạo ra một ứng dụng nho nhỏ chạy cùng khi đăng nhập vào máy để tự động dọn sạch thùng rác. Như vậy, các bạn không phải lo lắng về việc phải vào dọn thùng rác mỗi ngày nữa.

Các bạn mở ScriptEditor ra và nhập vào đoạn mã lệnh như sau:

Đoạn mã lệnh này thực hiện công việc xóa sạch thùng rác. Công việc tiếp theo là bạn hãy lưu đoạn mã này lại thành một ứng dụng (.app). Bạn làm điều này bằng cách chọn vào File/Save as trên thanh trình đơn của ScriptEditor.

Đặt tên cho ứng dụng trong khung "Save as", chọn nơi lưu ứng dụng lại ở khung "Where", một điều rất quan trọng là bạn phải chọn vào Application thay vì Script ở chỗ "File Format" để lưu đoạn mã lệnh thành dạng ứng dụng.

Tiếp theo, bạn chỉ cần cho ứng dụng trên chạy cùng khi đăng nhập, bằng cách vào System Preferences/Accounts 

Bạn chọn vào tài khoản của bạn, và chọn Login Options ở dưới cùng. Bên danh sách bên tay phải, bạn chọn nút dấu cộng (+) và chọn ứng dụng bạn vừa tạo để thêm vào danh sách. Bạn nhớ phải chọn vào ô đánh ứng dụng đó. Lưu lại vào thử đăng nhập lại, bạn sẽ thấy nó hoạt động hiệu quả như thế nào! :)

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com



Một năm cũ ảm đạm 2008 đã qua đi, chúng ta cùng nhau chào đón một năm mới với nhiều hy vọng và thành công mới, năm 2009!

Nhân dịp này, {iKul} MAC xin gởi lời chúc sức khỏe, thành công đến tất cả các bạn cùng gia đình.
Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Subscribe to: Posts (Atom)