{iKul} Mac

Sức mạnh tiềm ẩn...

Những gì mình viết trong bài này có thể nhiều bạn đã biết rồi, và cũng có thể đã thành thạo những thao tác này rồi. Tuy nhiên, mình vẫn muốn viết lại, vì mình thấy vẫn có nhiều bạn hỏi về vấn đề này. Trong bài này mình sẽ trình bày tất cả các thủ thuật để chụp ảnh màn hình làm việc của bạn.

Trên bàn phím máy Mac không hề có sự tồn tại của phím Print Screen như những bàn phím PC khác. Vì thế, các bạn sẽ gặp không ít rắc rối khi vừa chuyển sang sử dụng máy tính cũng như hệ điều hành MAC. Nhưng các bạn đừng lo lắng, vì việc chụp ảnh màn hình trên MAC đơn giản hơn trên những hệ điều hành khác rất nhiều, bất chấp sự vắng mặt của phím Print Screen.

Để chụp toàn bộ "quang cảnh" làm việc của bạn (tức là những gì bạn thấy trên màn hình làm việc của mình sẽ được chụp lại và lưu ngay trên màn hình làm việc dưới dạng tập tin .png), bạn sử dụng tổ hợp phím Shift + Command (Táo) + 3. Sau khi nhấn tổ hợp phím này, nhả tất cả ra, bạn sẽ thấy trên màn hình làm việc xuất hiện một tập tin ảnh theo dạng "Picture 1.png".

Ví dụ như đây là màn hình làm việc của mình

Còn nếu bạn không muốn chụp hết cả màn hình mà chỉ muốn chụp một phần nào đó trên màn hình thôi thì Mac OS X cũng cung cấp cho bạn một tổ hợp phím khác cũng dễ dàng không kém, bạn chỉ cần nhấn Shift + Command (Táo) + 4. Sau khi nhả tổ hợp phím này ra, bạn sẽ thấy con trỏ chuột thay đổi, công việc còn lại của bạn chỉ là giữ chuột và kéo để chọn vùng nào bạn muốn chụp lại.
Hình trên chính là một ví dụ mình chụp một phần màn hình làm việc.

Hơn thế nữa, nếu bạn muốn chụp một cửa sổ nào đó bạn đang làm việc trên máy, mà lại không muốn phải mất thời gian kéo chuột để chọn vùng của cửa sổ này. Mac OS X làm cho công việc của bạn dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn lại sử dụng tổ hợp phím Shift + Command (Táo) + 4, và bạn lạ tiếp tục nhấn phím Space Bar. Sau đó, con trỏ chuột sẽ biến thành biểu tượng một máy chụp hình, bạn chỉ cần nhấn chuột vào cửa sổ nào bạn muốn chụp. Thế là cái bạn cần đã xuất hiện ngay trên màn hình làm việc. Bạn hãy xem hình dưới đây mà mình đã chụp bằng cách này nhé.
Bạn thấy là không những chụp cửa sổ đó mà bạn còn có được luôn hiệu ứng bóng đổ của cửa sổ đó nữa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tập tin ảnh trên màn hình làm việc lại làm cho bạn cảm thấy khó chịu, hoặc đơn giản bạn chỉ muốn chụp màn hình để dán vào đâu đó chứ không có nhu cầu sử dụng lại. Để làm được điều này thì bạn chỉ cần thêm phím control vào tổ hợp phím bạn sử dụng để chụp màn hình. Ví dụ, bạn nhấn Control + Shift + Command (Táo) + 3 để chụp toàn bộ màn hình, thì tập tin ảnh sẽ không xuất hiện trên màn hình chính nữa. Nó sẽ được lưu trong Clipboard, bạn có thể dán vào bất kỳ đâu.

Thật dễ dàng phải không nào?

Một thủ thuật nho nhỏ nữa mà mình đã giới thiệu ở bài trước, định dạng mặc định của các tập tin này là .png. Tuy nhiên, có thể bạn không thích định dạng .png mà bạn lại thích .jpg. Bạn có thể thay định dạng mặc định này bằng 1 câu lệnh đơn giản trên Terminal. Bạn hãy xem hướng dẫn ở mục số 3 trong bài này nhé!

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

2 nhận xét

  1. Anonymous  

    Chao ban. May cua minh la Macbook Pro. Minh dang cai hai he dieu hanh Mac va Windows dong thoi bang Bootcamp, vi minh can su dung mot so phan men ben Win. Ban co the cho minh biet neu minh muon chup anh man hinh tu he dieu hanh Windows thi lam the nao? Vi minh dung cac phim nhu trong Mac thi khong co hieu qua. Thanks ban nhieu ve trang web bo ich.

  2. {iKul} Mac  

    Chào bạn, mình không dùng Windows trên MAC nên cũng không rõ phím nào sẽ tương đương trên windows nữa.

    Tuy nhiên, ngày xưa, khi mình còn xài máy PC chạy Windows XP, thì phím PrintScreen của Windows làm mình tốn quá nhiều thời gian (phải mở phần mềm xử lý ảnh để dán vào). Vì vậy mà mình sử dụng một phần mềm hỗ trợ, tên là SnagIt. Phần mềm này sẽ tích hợp với hệ thống. Khi nhấn phím PrintScreen trên bàn phím thì phần mềm này sẽ chạy, bạn có thể chọn vùng màn hình muốn chụp, sau đó xử lý trực tiếp trên ảnh.

    Bạn có thể download SnagIt tại đây:
    http://www.techsmith.com/

Post a Comment

Subscribe to: Post Comments (Atom)