{iKul} Mac

Sức mạnh tiềm ẩn...

Khi bạn muốn ẩn một số tập tin hay một số thư mục nào đó trên máy tính MAC của mình thì bạn sẽ phải làm gì?

Cài một phần mềm nào đó chăng? Cũng có thể đó (mặc dù mình không biết phần mềm nào)! Nhưng cài phần mềm thì tốn tài nguyên của máy, người khác tìm ra phần mềm trong máy tính bạn thì cũng có thể sẽ mở ra được.

Bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn một cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều: dùng Terminal.

Để ẩn nội dung của một thư mục nào đó, bạn có thể sử dụng câu lệnh sau:
chflags hidden #đường dẫn#

Trong đó, #đường dẫn# chính là thư mục bạn cần ẩn đi. Ví dụ ở đây, mình muốn ẩn tất cả những tập tin nằm trên màn hình làm việc (Desktop) của mình. Hiện tại, trên màn hình làm việc của mình có 1 tập tin "Die Prinzen...mp3" và 1 thư mục tên là "Leopard tiếng Việt" và một thư mục nữa tên là "Viet Hoa" như hình đây:

Mở Terminal ra, nhập câu lệnh sau vào:

chflags hidden ~/Desktop/*

Giải thích câu lệnh trên như sau:
1. Dấu "~": trong hệ điều hành Mac OS X, dấu ~ quy định là đường dẫn đến thư mục người dùng của tài khoản đang đăng nhập vào hệ thống.
2. ~/Desktop dẫn tới màn hình làm việc chính của bạn.
3. Dấu "*" thể hiển tất cả các tập tin, thư mục, liên kết (alias)... trong thư mục đó.
Toàn bộ câu lệnh trên có nghĩa là giấu tất cả các thành phần (tập tin, thư mục, liên kết...) trên màn hình làm việc.

Và kết quả, chúng ta có:

Như các bạn cũng thấy đó, những tập tin, thư mục đều được giấu hết đi rồi, chỉ còn lại 2 ổ đĩa hệ thống.

Để hiển thị lại những thành phần này, bạn sử dụng câu lệnh sau:

chflags nohidden ~/Desktop/*

Chúng ta cũng có thể dùng lệnh trên để giấu một thư mục nào đó trên máy tính. Ví dụ, trên màn hình làm việc của mình có thư mục tên là "Viet Hoa". Trong đó chứa các thông tin mật mà mình không muốn cho bất kỳ ai thấy. Mình sử dụng câu lệnh sau để giấu thư mục này đi:

cd ~/Desktop
chflags hidden "Viet Hoa"

Giải thích:
1. Câu lệnh đầu tiên chuyển đến thư mục hiện tại
2. Câu lệnh thứ 2 làm việc ẩn đi thư mục mang tên "Viet Hoa". Vì tên thư mục này có khoảng trắng nên bạn phải bỏ vào trong dấu ngoặc thì hệ điều hành mới hiểu. Kết quả là thư mục "Viet Hoa" đã được ẩn đi. 

Bạn có thể hiển thị lại thư mục này bằng câu lệnh sau:

chflags nohidden "Viet Hoa"

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Chào mọi người, một câu lệnh đơn giản của Terminal có thể cho bạn biết được bạn đã sử dụng máy tính được bao lâu rồi. Bạn mở Terminal, gõ vào uptime. Nhấn nút Return (Enter) để xem kết quả nhé.

Thời gian bạn dùng máy sẽ được tính bằng cách lấy thời gian hiện tại trừ cho thời điểm lúc bạn đăng nhập lần cuối vào hệ thống.

Kết quả bạn nhận được từ câu lệnh trên gồm có: thời điểm bạn gọi lệnh, thời gian đã sử dụng máy tính đến thời điểm nhận lệnh, số lượng người dùng, còn 3 con số của phần "load averages" lần lượt là lưu lượng hoạt động của CPU trong vòng 1 phút, 5 phút và 10 phút gần nhất.

Mọi người hãy thử xem nào, cùng chia sẻ screenshot xem ai là người lập kỷ lục về thời gian dùng máy hihi.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Đã xài hệ điều hành Mac OS X thì chắc hẳn bạn cũng biết hoặc cũng đã từng nghe rằng hệ điều hành này được phát triển dựa trên nền của hệ điều hành lừng danh UNIX, một hệ điều hành nổi tiếng về những dòng lệnh với những sức mạnh mà đến bây giờ vẫn được sử dụng trong các hệ thống lớn hoặc cũng được phát triển thành những hệ điều hành khác.

Trong bài này mình xin giới thiệu với các bạn một vài câu lệnh được sử dụng trong Terminal của hệ điều hành Leopard, giúp bạn làm đẹp cho máy tính của mình, hoặc giúp cho thời gian mỗi ngày bạn làm việc với máy tính Mac trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Trước hết, bạn có thể tìm thấy ứng dụng Terminal từ đường dẫn sau: /Applications/Utilities/Terminal.app

1. Dock theo dạng truyền thống (2D): Đầu tiên, nếu bạn đã chán ngấy với thanh Dock theo dạng 3D lung linh của hệ điều hành Mac OS X Leopard, hoặc đơn giản vì cấu hình máy của bạn hơi thấp, bạn muốn tiết kiệm tài nguyên để làm những việc khác. Vì những lý do này hay khác, bạn muốn thay thanh Dock này thành dạng 2D truyền thống cho đỡ hao tốn tài nguyên. 

Bạn có thể làm việc này bằng cách cài những phần mềm khác vào (ví dụ như Docker...). Tuy nhiên, cài thêm phần mềm thì cũng tiêu tốn một số tài nguyên đáng kể, bạn có thể dùng những câu lệnh này để làm nhanh hơn và không phải tốn thời gian cũng như tài nguyên để cài đặt các phần mềm hỗ trợ.

Bạn gõ câu lệnh sau vào ứng dụng Terminal:

defaults write com.apple.dock no-glass -boolean YES
killall Dock


Sau đó, bạn sẽ thấy Dock của bạn thay đổi. Nếu muốn thay đổi ngược lại thì bạn cũng dùng câu lệnh trên, nhưng thay chữ YES thành NO.

2. Thêm một thông điệp vào cửa sổ đăng nhập: Mỗi khi đăng nhập vào máy bạn đều phải trải qua một bước nhập tên và mật khẩu tại cửa sổ đăng nhập (nếu bạn không bật chế độ tự động đăng nhập vì lý do bảo mật), cửa sổ này dần dần trở nên rất nhàm chán với bạn và không còn thú vị nữa.  Tại sao bạn không thử tự tạo cho mình  mỗi ngày một niềm vui bằng một câu nói hay một lời chào nào đó.

Câu lệnh sau sẽ giúp bạn làm điều đó:

sudo defaults write /Library/Preferences/com.apple.loginwindow LoginwindowText "Thông điệp của bạn"

Bạn hãy nhập nội dung muốn hiển thị ở cửa sổ đăng nhập vào chỗ dấu ngoặc kép. 

Chú ý: những câu lệnh có chữ sudo đứng đầu có nghĩa là những tác vụ đó sẽ được thực hiện dưới quyền của administrator. Bạn phải cẩn thận với những câu lệnh này, vì nó có thể thay đổi những phần sâu trong hệ thống của bạn.

Trường hợp bạn muốn xóa bỏ thông điệp đó thì chỉ việc làm công việc tương tự với 2 dấu đóng mở ngoặc kép liền nhau (tức là không có nội dung gì bên trong).

3. Thay đổi định dạng mặc định của các tập tin ảnh chụp màn hình: Việc chụp màn hình làm việc thì có thể các bạn đã biết rồi. Mình có thể sẽ giới thiệu chi tiết những kỹ thuật chuyên sâu ở một bài sau, ở đây mình hướng dẫn các bạn thay đổi định dạng mặc định của các tập tin ảnh chụp màn hình này. Có nghĩa là mỗi khi bạn chụp, thì các tập tin ảnh này sẽ được lưu với định dạng mặc định mà bạn đã chọn.

Ví dụ, bạn muốn tất cả các tập tin ảnh chụp màn hình được lưu dưới dạng *.jpg, bạn dùng câu lệnh sau:

defaults write com.apple.screencapture type jpg

hoặc bạn chỉ thích định dạng .png

defaults write com.apple.screencapture type png

có bạn lại thích dạnh .bmp

defaults write com.apple.screencapture type bmp

4. Cho phép đưa những Widget từ Dashboard lên màn hình làm việc (Desktop): có những widget mà bạn thấy hữu dụng đến nỗi bạn muốn nhìn thấy nó thường xuyên, ngay cả trên màn hình làm việc của mình. Bạn có thể bật chế độ cho phép kéo widget này vào màn hình làm việc bằng dòng lệnh sau:

defaults write com.apple.dashboard devmode YES

Sau đó, bạn mở Dashboard, nhấn và giữ chuột vào một widget mà bạn muốn kéo vào màn hình làm việc. Rồi bạn dùng phím tắt để đóng Dashboard lại, và thả widget này vào màn hình làm việc. Thế là xong!

Tuy nhiên, ở trên màn hình làm việc thì các widget này sẽ nằm ở lớp trên cùng, có nghĩa là nó sẽ che hết các cửa sổ làm việc của bạn, có thể gây khó chịu cho bạn. Nếu muốn tắt chức năng này đi, bạn cũng dùng dòng lệnh trên, thay YES bằng NO.

5. Hiển thị đường dẫn đầy đủ trên thanh tiêu đề của Finder: bạn có thể bật chức năng này lên bằng dòng lệnh:

defaults write com.apple.finder _FXShowPosixPathInTitle -bool YES

Và Finder của bạn sẽ như sau:

Để tắt chức năng này đi, bạn cũng chỉ cần dùng câu lệnh như trên và đổi YES thành NO.

6. Tắt biểu tượng Spotlight trên thanh trình đơn chính: đối với một số người dùng (điển hình là mình) rất thích dùng Spotlight. Mình thường xuyên dùng phím tắt Táo + Space bar để kích hoạt Spotlight để tìm kiếm và khởi động các ứng dụng. Nhưng đối với một số người dùng khác, Spotlight không giúp ích được công việc của họ (vì lý do này hoặc lý do khác, tùy vào mục đích công việc). Vì thế mà biểu tượng Spotlight ở trên cùng bên phải màn hình đôi khi lại làm tốn chỗ trên màn hình. Bạn có thể giấu biểu tượng này đi bằng câu lệnh sau trong Terminal:

sudo chmod 0 /System/Library/CoreServices/Spotlight.app
killall Spotlight


Để mở lại biểu tượng Spotlight thì bạn dùng câu lệnh sau:

sudo chmod 755 /System/Library/CoreServices/Spotlight.app
killall Spotlight

7. Bỏ những đường sọc ngang trong Finder khi bạn chọn hiển thị theo dạng danh sách (List View): với chế độ hiển thị theo danh sách, bạn sẽ thấy Finder hiển thị với 2 màu (trắng và xanh nhạt) để giúp cho người dùng phân biệt rõ ràng dòng này và dòng kia. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn hiển thị như vậy, mà chỉ muốn một màu nên trắng tinh thì bạn dùng câu lệnh sau đây:

defaults write com.apple.finder FXListViewStripes -bool FALSE
killall Finder


Mình thích dạng này hơn, và bạn có cửa sổ Finder giống như sau:

Để đảo ngược lại thì bạn cũng dùng câu lệnh trên, thay FALSE bằng TRUE.

8. Hiển thị những thành phần (tập tin, thư mục...) ẩn trong Finder: bạn có thể làm điều này bằng câu lệnh:

defaults write com.apple.finder AppleShowAllFiles TRUE

Giấu những thành phần ẩn này lại cũng bằng câu lệnh trên, nhưng bạn phải thay TRUE bằng FALSE.

Trên đây là một số thủ thuật đơn giản với Mac OS X Leopard, sử dụng những câu lệnh Terminal. Mình góp nhặt từ những trang web nước ngoài: UsingMac, Mac tricks and tips. Những thủ thuật trong bài này mình đã dùng thủ và tuyển chọn những phần hữu ích để chia sẽ với mọi người.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com


Vẽ đồ thị thì mình nghĩ là ai cũng cần phải dùng, không ít thì nhiều. Có nhiều phần mềm hỗ trợ việc tính toán và vẽ đồ thị toán học trên máy tính. Mà tiêu biểu, cũng như nổi tiếng nhất là Maple của Canana. Tuy nhiên, trên các máy tính Mac của Apple thì đã có một phần mềm được xây dựng sẵn, kèm theo trong hệ điều hành, hỗ trợ việc xây dựng các biểu đồ và đồ thị thuộc dạng đơn giản.


Có thể là các bạn đã biết đến và sử dụng ứng dụng này từ trước. Tuy nhiên, mình vẫn muốn giới thiệu ở đây để những bạn nào chưa biết có thể sử dụng.

Trong một lần mình ngồi tìm tòi khác phá thư mục Application của Leopard thì mình phát hiện ra một ứng dụng mang tên Grapher.app được đặt tại thư  mục /Applications/Utilities. Khi chạy ứng dụng này thì sẽ có một cửa sổ để bạn có thể chọn loại đồ thị muốn vẽ.

Có thể là đồ thị dạng hai chiều (2D)Hoặc những đồ thị ba chiều (3D)
Tùy theo mục đích sử dụng mà bạn chọn vào những loại biểu đồ thích hợp. Ở đây mình chọn đồ thị hai chiều, nhấn nút Open thì mình có cửa sổ sau:

Đó chính là giao diện chính của ứng dụng, rất đơn giản và dễ hiểu. Bên tay trái có một khung Equations là nơi để bạn thiết lập các phương trình muốn vẽ đồ thị. Và khung lớn nhất ở bên phải chính là nơi đồ thị của bạn sẽ được hiển thị.

Ví dụ, bạn muốn vẽ đồ thị đơn giản của phương trình y = 1, bạn nhấn kép vào phương trình có sẵn trong khung Equations hoặc nhấn vào nút dấu cộng (+) ở bên dưới để thêm phương trình mới. Mình nhập vào y = 1, thế là mình có biểu đồ của phương trình y = 1 là một đường thẳng song song với trục x.

Hoặc mình muốn vẽ đồ thị parabol của phương trình y = x^2. Để nhập ký hiện bình phương, bạn nhấn trình như như sau x ^ 2. Mình có đồ thị parabol như sau:

Bạn cũng có thể vẽ đồ thị của nhiều phương trình. Mình thử vẽ đồ thị của 3 phương trình
y = 1
y = x^2
y = -x^2 + 1
Mình có đồ thị như sau:

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Chào các bạn, nhưng trong bài trước, mình đã giới thiệu về các Việt hóa thanh trình đơn chính trong Finder. Hôm này mình sẽ viết về các thành phần chính trong Finder để giúp các bạn tiếp tục công việc Việt hóa phần Finder.

Đây sẽ là một câu nói rất quen thuộc và cũng có thể đã quá nhàm chán, nhưng vẫn muốn nhắc lại để các bạn theo dõi, thực hiện đúng, để không làm ảnh hưởng đến hệ thống sau này. Bạn nhớ phải sao lưu dữ liệu và phân quyền sử dụng cho các thư mục, tập tin chuẩn bị được thay đổi.

Bây giờ bạn lại vào thư mục nội dung của Finder nhé (giống như mình đã hướng dẫn tại đây). Đường dẫn đầy đủ là /System/Library/CoreServices/Finder.app/Contents/Resources/English.lproj

Rồi, bạn mở thư mục đó ra rồi nhé, bây giờ mình sẽ giải thích chức năng của từng tập tin trong đó. Bắt đầu nào!

Đầu tiên sẽ là những tập tin .nib trước nhé.

1. AboutWindow.nib:
Đây là cửa sổ thông tin giới thiệu về Finder khi bạn chọn Finder/About Finder trên thanh trình đơn chính.

2. ApplyPrivsProgress.nib:
Phần này quy định các bảng trạng thái và thông báo lỗi trong khi chép tập tin hoặc thư mục đã tồn tại sẵn rồi. Xác nhận việc chép đè lên tập tin hoặc thư mục cũ.

3. BackupProgress.nib:
Phần này quy định các bảng trạng thái trong quá trình sao lưu dữ liệu bằng Time Machine của Leopard.

4. BackupRestore.nib:
Cửa sổ này sẽ hiện ra để người dùng chọn ổ đĩa sao lưu và khôi phục dữ liệu từ Time Machine.

5. BurnDialogs.nib:
Những bảng thông báo trong khi thực hiện việc ghi đĩa CD/DVD sẽ được quy định tại đây.

6. BurnProgressWindow.nib:
Phần này quy định những bảng trạng thái và thông báo lỗi trong quá trình ghi đĩa.

7. ClipWindow.nib:

8. ColumnPreview.nib:

9. ConnectProgressWindow.nib:
Các bảng trạng thái vào thông báo lỗi trong quá trình kết nối với máy chủ.

10. ConnectTo.nib:
Hiển thị bảng yêu cầu để người dùng kết nối với máy chủ.

11. CopyProgressWindow.nib:
Phần này hiển thị các thông báo trạng thái cũng như thông báo lỗi trong quá trình sao chép tập tin, thư mục.

12. DeleteBackupsProgressWindow.nib:
Các bảng thông báo trạng thái và thông báo lỗi trong quá trình xóa các bản sao lưu dữ liệu.

13. FlowPresenter.nib:
Quản lý việc hiển thị theo dạng Cover Flow.

14. FTPProgress.nib:
Quản lý tất cả các bảng trạng thái và thông báo lỗi trong quá trình truy cập máy chủ FTP.

15. Goto.nib:
Cửa sổ để người dùng chuyển đến một thư mục nào đó, xuất hiện khi người dùng chọn Go/Go to.

16. iDiskMount.nib:
Quản lý việc kết nối với máy chủ iDisk khi người dùng sử dụng Mobile Me.

17. InfoWindow.nib:
Cửa sổ hiển thị thông tin chi tiết của một tập tin, thư mục. Hiển thị khi người dùng nhấn chuột phải lên một tập tin, thư mục nào đó và chọn Get Info hoặc nhấn phím tắt Cmd + I.

18. ListPresenter.nib:
Hiển thị thông tin theo dạng danh sách trong Finder.

19. MDResultsView.nib:

20. Menus.nib:
Thanh trình đơn chính của Finder, như đã hướng dẫn ở bài trước.

21. ODSAskingProgress.nib:

22. Preferences.nib:
Bảng điều khiển của Finder khi người dùng chọn Finder/Preferences trên thanh trình đơn chính.

23. Search.nib:
Cửa sổ hiện thị thông tin tìm kiếm.

24. TrashProgressWindow.nib:
Hiển thị trạng thái cũng như thông báo lỗi trong quá trình thao tác với Thùng rác.

25. ViewOptions.nib:
Hiển thị những tùy chọn về hiển thị, xuất hiện khi người dùng chọn View/Show View Options trên thanh trình đơn chính.

Tiếp theo mình sẽ giới thiệu về một số tập tin .strings quan trọng. Trong đó, 2 tập tin quan trọng nhất, và được sử dụng nhiều nhất là localizable.stringslocalizableCore.strings. Những tập tin này bạn cũng chỉ cần thay đổi nội dung và lưu lại.

Trên đây mình đã giới thiệu những thành phần chính trong Finder để Việt hóa. Công việc bạn phải làm là sử dụng XCode để thay đổi thông tin của các thành phần trong đó.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com


Tiếp theo bài viết mở đầu về Việt hóa Finder, bài này mình sẽ giới thiệu với các bạn các Việt hóa thanh trình đơn chính của Finder.


Như ở bài viết mở đầu mình cũng đã giới thiệu về thanh trình đơn này, đây chính là phần chúng ta thấy nhiều nhất trong quá trình làm việc với Finder.

Lại một lần nữa lần mò vào trong thư mục /System/Library/CoreServices/Finder.app/Contents/Resources/English.lproj như đã hướng dẫn trong bài viết mở đầu. Trong đó, bạn sẽ thấy một tập tin Menus.nib, đây chính là tập tin chính để chỉnh sửa.

Trước khi bắt đầu, bạn phải nhớ là đã cài đặt XCode và làm theo đúng hướng dẫn về sao lưu dữ liệu và phân quyền truy cập lại nhé.

Xong rồi, mở tập tin Menus.nib ra nào. Bạn có thấy gì không? Chương trình XCode đã được khởi động, và bạn sẽ thấy một cửa sổ tương tự như thế này:

Cửa sổ này chứa tất cả các thành phần của thanh trình đơn. Trước tiên, bạn hãy nhấn đúp vào thành phần tên MenuBar. Đó là thanh trình đơn chính mà bạn thấy trên cùng của màn hình làm việc.

Như bạn thấy ở hình trên, MenuBar chứa các thành phần được hiển thị trong thanh trình đơn hệ thống của Finder. Bên phải sẽ là cửa sổ thuộc tính (Menu Item Attributes) để thay đổi các thuộc tính của các thành phần. Đây chính là mấu chốt của vấn đề :) Bạn chỉ cần nhấn chọn các thành phần của thanh trình đơn, sau đó thay đổi nội dung bên ô Title của cửa sổ thuộc tính. 

Làm tương tự với tất cả thành phần bạn của thanh trình đơn. Lưu lại nội dung bạn đã thay đổi. Bạn nhớ phải đăng nhập lại mới thấy được sử thay đổi. Có một số thành phần vẫn không thay đổi theo nội dung tiếng Việt bạn đã đổi. Không sao đâu, vì những thành phần này sẽ thay đổi theo trong quá trình Việt hóa những phần sau.

Chú ý: Ngoài ra, các bạn phải làm tương tự cho những thành phần khác giống như MenuBar để thay đổi những thanh trình đơn con của trình đơn chính.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

Tiếp theo loạt bài hướng dẫn Việt hóa hệ điều hành Mac OS X Leopard, mình sẽ giới thiệu về cách Việt hóa Finder.


Như các bạn cũng biết, trong Leopard nói riêng hay các hệ điều hành của Apple thì Finder là một trong những phần quan trọng nhất. Đây như là một phần để quản lý tất cả những thông tin cơ bản trong máy của bạn.

Chính vì vậy mà công việc Việt hóa Finder hoàn toàn không đơn giản, nó bao gồm rất nhiều thành phần cần phải Việt hóa.

Trước khi bắt đầu, cũng như những phần trước, mình sẽ luôn nhắc đi nhắc lại rằng trước khi thay đổi bất kỳ thông tin gì theo hướng dẫn của bài viết này, bạn phải chắc chắn là đã thực hiện việc sao lưu lại những tập tin và thư mục bạn chuẩn bị thay đổi, cũng như phân quyền lại.

Đây chỉ là phần mở đầu cho một loạt bài giới thiệu về Việt hóa Finder trong Leopard, nên mình chỉ giới thiệu các phần sẽ được Việt hóa. Mỗi phần sẽ có một bài hướng dẫn cụ thể đến từng chi tiết.

Chúng ta bắt đầu nhé!

Phần đầu tiên của Finder, cũng là phần chúng ta thấy nhiều nhất, không gì khác, chính là thanh trình đơn (menu) ở trên cùng màn hình.


Phần trình đơn này chính là phần chúng ta thấy nhiều nhất trong suốt thời gian làm việc với Leopard. Tiếp theo là cửa sổ quản lý ổ đĩa, thư mục, các kết nối...

Chỉ trong cửa sổ này thôi đã có rất nhiều việc để làm :(, như là trình đơn khi nhấn chuột phải

Các bạn chú ý là không chỉ có 1 trình đơn chuột phải mà có rất nhiều loại khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Hoặc là cửa sổ hiển thị thông tin của thư mục, tập tin...

Hoặc đơn giản là những cửa sổ hiển thị trạng thái khi sao chép, xóa, tải các thư mục, tập tin... 
Ngoài ra còn rất nhiều thành phần khác nữa mà chúng ta cần phải Việt hóa, mình xin không nói ra ở đây mà sẽ để dành để nói trong những bài hướng dẫn chi tiết sau này.

Tiếp theo, mình giới thiệu với các bạn nơi nào để chỉnh sửa. Lại một lần nữa, mình cùng nhau lần mò vào thư mục /System/Library/CoreServices

Và trong thư mục đó, các bạn sẽ thấy sự hiện diện của tập tin Finder.app. Nhấn chuột phải vào tập tin này và chọn Show Package Contents để xem có gì bên trong nhé.

Bạn vào tiếp thư mục Contents/Resources/English.lproj

Trong thư mục này, ngoài những tập tin .strings như bên phần Dock, bạn còn thấy những tập tin có dạng .nib nữa. Những tập tin dạng nib này được mở bằng XCode. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết trong những bài sau.

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com



Bắt đầu loạt bài hướng dẫn Việt hóa hệ điều hành Mac OS X Leopard, mình bắt đầu bằng cách Việt hóa phần Dock (phần này mình không biết phải dịch ra tiếng Việt như thế nào nên đành giữ nguyên lại tên mà Apple sử dụng)

Trước khi bắt đầu, các bạn cần phải cài đặt XCode (bạn có thể sử dụng Text Editor. Tuy nhiên, mình nghĩ sử dụng XCode sẽ tốt hơn vì sau này sẽ phải thay đổi nội dung của các tập tin .nib nữa).

Một điều nữa cần phải chú ý kỹ vì đây là một phần rất quan trọng là bạn phải sao lưu những tập tin bạn chuẩn bị sửa chữa và phân quyền truy cập cho các tập tin này

Đến đây thì bạn đã hoàn tất những bước trên rồi nhé. Bắt đầu nào!

Thư mục chính để làm việc trong bài viết này để Việt hóa Dock được đặt tại /System/Library/CoreServices

Trong thư mục này có ứng dụng Dock.app. Nhấn chuột phải vào tập tin này, bạn sẽ thấy một thanh trình đơn xổ xuống, chọn tiếp Show Package Contents để xem tiếp phần bên trong.

Một cửa sổ Finder mới mở ra, trong đó chính là nội dung của Dock. Bạn tiếp tục truy cập vào thư mục Contents/Resources/English.lproj


Trong thư mục đó, sẽ có các tập tin .strings. Đó chính là những tập tin cần phải thay đổi  nội dung.
  1. Dashboard.strings: chứa các thông tin cho phần Dashboard như quản lý, thêm, xóa các tiện ích (widget).
  2. DockMenus.strings: phần này chứ chứa các thông tin cho trình đơn khi bấm chuột phải vào các biểu tượng trên Dock.
  3. InfoPlist.strings: chứa tên một số ứng dụng và các thanh hướng dẫn nhanh (tooltip)
  4. Localizable.strings: hầu hết những thông tin của Dock nằm trong tập tin này. 
Công việc của bạn là thay đổi những nội dung trong dấu ngoặc kép thành tiếng Việt. Hình dưới đây mình đã Việt hóa tập tin DockMenus.strings.

Sau khi thay đổi xong nội dung của các tập tin này, công việc còn lại cũng rất đơn giản là lưu lại và đăng nhập lại để thấy thành quả.


Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc, xin vui lòng gởi về địa chỉ email iKul.MAC@gmail.com

{iKul} Mac là một blog chuyên viết về hệ điều hành Mac OS X nhằm mục đích khám phá và chia sẻ những chức năng của hệ điều hành do hãng Apple phát triển này.


Đặc biệt, những bài viết của {iKul} Mac nhấn mạnh vào các chức năng chuyên sâu để giúp người yêu và sử dụng Mac khai phá được sức mạnh tiềm ẩn của hệ điều hành Mac OS X.

Các chủ đề được chú trọng là:
Hiện tại, blog được điều hành bởi nhóm phát triển phần mềm kulNova, các bạn có thể xem thêm chi tiết tại địa chỉ www.kulnova.vn

kulNova là một nhóm chuyên phát triển phần mềm trong các lĩnh vực:

  1. Thiết kế website/các hệ thống phần mềm chạy trên nền web
  2. Phát triển phần mềm chạy trên hệ điều hành Mac OS X
  3. Phát triển phần mềm chạy trên hệ điều hành iPhone OS
  4. Phát triển phần mềm chạy trên hệ điều hành Android
  5. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện những phần mềm trên các nền tảng công nghệ khác tùy theo yêu cầu của khách hàng...
Điều hành nhóm kulNova là Trần Quốc Thắng, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn & phát triển các hệ thống phần mềm.

Mục tiêu của {iKul} Mac trong tương lai là có thể quy tụ được một nhóm người dùng yêu thích Mac OS X, cùng nhau xây dựng, đóng góp và đăng tải nội dung cho blog.

Thông tin liên hệ:

Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các bạn. Những bài viết muốn đóng góp và chia sẻ, xin các bạn gởi trực tiếp về cho chúng tôi qua địa chỉ email:

thang.tran@kulnova.vn

Các bạn có thể xem thông tin liên lạc chi tiết tại website www.kulnova.vn

Chúc tôi rất mong nhận được phản hồi từ các bạn, và tất cả ý kiến và thắc mắc của bạn sẽ được hồi đáp trong thời gian sớm nhất.

Trước hết, mình xin gởi lời xin lỗi đến tất cả mọi người vì trong thời gian vừa qua, mình quá bận rộn với công việc ở công ty nên không thể dành thời gian viết bài.


Bây giờ mình đã có thể thu xếp được thời gian và tiếp tục quay lại với những bài viết mới, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn.

Trước hết, những thay đổi đơn giản là những chức năng thống kê người dùng, số người đang online

Chức năng trên cho phép hiển thị số người đang online tại thời điểm hiện tại và bản đồ những người đã đọc bài viết của mình.

Một phần nữa rất hay mà mình vừa phát hiện được blog của một người bạn là Google Translate.

Phần này hỗ trợ dịch toàn bộ trang web của mình ra nhiều thứ tiếng khác nhau, và đặc biệt là hỗ trợ cả tiếng Việt. {iKul} Mac được viết bằng tiếng Việt, nhưng bạn có thể sử dụng phần này để dịch tất cả ra những thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếp Pháp, tiếng Đức, tiếng Hoa, tiếng Nhật... hoặc thậm chí là tiếng Ả Rập.

Ví dụ như đây là một phần {iKul} Mac được dịch ra tiếng Nga


Mặc dù những nội dung được dịch này chưa phải là hoàn hảo, nhưng mình đã kiểm tra và chất lượng dịch thuật đạt được đến hơn 80%. Và cũng có thể giúp được cho bạn rất nhiều nếu tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của bạn.

Trên đây là những thay đổi mới nhất của {iKul} Mac. Mình sẽ tiếp tục cập nhật những bài viết mới về hệ điều hành Mac OS X.

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến, xin mời bạn liên lạc trực tiếp với mình qua email ikul.mac@gmail.com



Bài viết sau đây, mình giới thiệu với các bạn một số thủ thuật đơn giản để chuẩn bị cho quá trình Việt hóa hệ điều hành Leopard.

Như các bạn cũng biết thì đây là một quá trình thay đổi các tập tin hệ thống trong hệ điều hành, cho nên mức độ rủi ro cũng rất cao (bất kể hành động nào can thiệp vào các thành phần của hệ thống đều không được khuyến khích bởi Apple). Do đó, nếu không cẩn thận thì việc hệ điều hành bị lỗi là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bạn hãy lưu ý là công việc đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất là các bạn phải sao lưu (backup) lại tất cả những tập tin trước khi bạn tác động vào. Nếu điều kiện cho phép thì bạn nên sử dụng Time Machine của Leopard để lưu lại trạng thái hệ thống trước khi việc thay đổi được bắt đầu.

Việc thứ hai nữa bạn nên chú ý là: các file chúng ta sẽ thay đổi đều được thiết lập mặc định ở chế độ bảo mật, vì thế bạn không có quyền thay đổi nội dung bên trong. Bạn phải thực hiện việc thiết lập quyền truy cập cho tập tin cần thiết.

Để thực hiện việc thiết lập quyền truy cập, bạn nhấn vào tập tin muốn thay đổi quyền, nhấn chuột phải, chọn Get Info hoặc nhấn Command + I.

Khi cửa sổ thông tin hiện ra, trong khung Sharing & Permissions sẽ hiển thị các thông tin về quyền truy cập vào tập tin mà bạn chọn. Như bạn cũng nhìn thấy trong hình trên thì tài khoản của bạn không được đặt để truy cập tập tin này, mà mọi người chỉ có thể đọc (Read only) mà thôi.

Để thiết lập lại những thông tin này, công việc bạn phải làm là thêm tài khoản của bạn vào với quyền đọc và ghi. Bạn làm việc đó bằng cách nhấn vào dấu cộng (+) ở góc dưới bên trái. Tuy nhiên, như hình trên, góc dưới bên phải có hình cái ổ khóa, có nghĩa là những thiết lập hiện tại đã bị khóa, bạn không thể thay đổi. Bạn phải nhấn vào hình cái ổ khóa này để mở khóa, bạn sẽ được mời nhập password để mở khóa.

Sau khi đã thiết lập quyền truy cập cho tập tin (bạn nhớ phải sao lưu trước), bạn sẽ bắt đầu các bước Việt hóa.

Subscribe to: Posts (Atom)